Bài học khẩu trang không thể quên được. Đừng học thêm bài học an ninh lương thực quốc gia.
Việt Nam cần phải khẩn trương quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia, trước áp lực thu mua lúa gạo hiện nay từ phía Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo của Ủy ban Kế hoạch phòng thủ và kiểm soát chung của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 tại hội trường trên tầng ba Tòa nhà phía Đông của khách sạn Guoerzhao (số 6, đường Xizhimen South, Bắc Kinh) đã tiết lộ rất nhiều tin tức quan trọng về tình trạng cung cầu thực phẩm và an ninh lương thực của Trung Quốc giữa cơn đại dịch và một năm tới đây.
Các quan chức gồm có: Mi Feng, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia và Phó Giám đốc Ban Tuyên giáo đã chủ trì cuộc họp; Pan Wenbo, Cục trưởng Cục Quản lý thực vật, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn; Wei Baigang, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Phát triển của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn; Qin Yuyun, Cục trưởng Cục Dự trữ ngũ cốc của Cục Dự trữ ngũ cốc và nguyên liệu Nhà nước; và Wang Hong, Cục trưởng Cục Lưu trữ và Khoa học và Công nghệ An toàn của Cục Dự trữ Thực phẩm và Nguyên liệu Nhà nước.
Buổi họp cho thấy Trung Quốc rất quan tâm đến các quyết định hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, trong đó gồm có lúa mì và gạo, của một số quốc gia, đặc biệt là Kazakhstan, Nga và Việt Nam.
Tình hình ở Hoa lục đã xấu thêm, khi người dân bắt đầu tích trữ gạo, lo sợ bị thiếu lương thực. Tại sao nhà nước không muốn người dân tích trữ? Bởi vì số lượng gạo dự trữ ở Trung Quốc đang ở mức thấp, nếu có nhiều người đua nhau tích trữ, người khác sẽ bị thiếu hụt. Thí dụ đơn giản, nếu một ngôi làng có 100 hộ dân, và có 100 bao gạo, chia đều mỗi hộ 1 bao, thì sẽ không ai chết đói. Nhưng nếu 50 hộ đầu tiên chiếm đoạt tất cả 100 bao (đem về tích trữ), thì 50 hộ đến sau sẽ bị chết đói.
Trung Quốc quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực hơn ai hết vì nó có thể gây nguy cơ đến việc ổn định chính trị.
Sau 3 tháng ngưng hầu hết sản xuất, đóng cửa các tỉnh thành, điển hình mùa màng thu hoạch từ Hồ Nam không thể vận chuyển đến Hồ Bắc (hai tỉnh kế sát nhau), nông phẩm thu hoạch của Trung Quốc phần lớn đã bị hư thối và hủy bỏ. Về nguồn cung cấp thịt, Trung Quốc đã giết chết trên 200 triệu con heo vì sốt châu Phi trước đó không lâu; gần đây lại bị dịch cúm gia cầm khiến cho gà vịt và ngỗng, đặc biệt ở Hồ Nam, đã chết hàng triệu con.
Nói về nhu cầu đậu nành, Trung Quốc là nước tiêu thụ và nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Hiện nay, hai quốc gia sản xuất đến 85% giá trị xuất khẩu đậu nành thế giới, Brazil và Hoa Kỳ, đang đối đầu với dịch coronavirus, các phương tiện vận chuyển có nguy cơ gián đoạn tạm thời.
Để nuôi 1,4 tỷ miệng ăn mỗi ngày, ăn quen đã quá lâu, nay nhịn không quen. Tất nhiên, đảng phải lo lắng lắm.
Chính sách an ninh lương thực quốc gia của Trung Quốc đặt trọng tâm vào sự dự trữ của 3 tầng. Tầng 1 là kho dự trữ quốc gia (government reserves) và họ vẫn còn số lượng báo cáo của tầng 1. Tầng 2 là các kho chứa ngũ cốc mua và bán bởi nhà nước để ổn định giá cả thị trường (policy inventory) và hiện giờ họ đang xài lún dần các kho tầng 2. Tầng 3 là các kho chứa của các doanh nghiệp thương lái (enterprise commodity inventory) và họ đang gặp nguy cơ kho trống sau ba tháng dịch bệnh hoành hành vừa qua.
Trước tình hình lương thực hiện nay, lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sẽ có xu hướng hành xử ích kỷ, bất chấp mọi nguy cơ rủi ro có thể xảy ra cho thế giới bên ngoài Hoa Lục.
Hiện nay, sách lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh có nhiều mặt. Ngắn hạn, họ sẽ tìm đủ mọi cách để thu mua lương thực từ Việt Nam và các quốc gia khác để giải quyết vấn nạn trước mắt, giống như họ đã từng thu mua hết sạch khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế trên toàn thế giới vào tháng 1 và 2 vừa qua khiến cho Mỹ, Úc và châu Âu hiện nay đang thiếu thốn những món hàng cần thiết đó.
Đồng thời, Trung Quốc hiện đang ảnh hưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, The Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO), dưới quyền của Chủ tịch Qu Dongyu (屈冬玉), một đảng viên cộng sản Trung Quốc sinh quán ở Hồ Nam trong một gia đình có ba đời làm nông.
FAO hiện đang kêu gọi thế giới “không nên hạn chế xuất khẩu lương thực” trong cơn đại dịch. Tất nhiên, lời kêu gọi của FAO nghe rất hợp lý, nhưng nó cũng rất đúng lúc và thuận lợi cho Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh đang là kẻ muốn thu mua lương thực thế giới. Và điều này có lẽ nhắc nhớ bài học của WHO và dịch bệnh hiện nay.
Dài hạn, tất nhiên Trung Quốc có các phương án gia tăng gấp đôi các vụ mùa (double season) tại Hoa Lục trong 12 tháng tới đây. Tuy nhiên, trước mắt họ đang có thêm rủi ro bởi dịch châu chấu. Nói tóm lại, sự thu mua lương thực của Trung Quốc sẽ rất căng thẳng, chắc chắn ít nhất là trong vòng nửa năm tới đây.
Trở lại vấn đề an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam.
Ba nước xuất gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gạo, hiện giờ có thừa lúa gạo sau vụ mùa thu hoạch gần đây, đang nằm trong kho của thương lái và một phần khác được tích trữ trong các hộ gia đình. Nếu số lượng lúa gạo dự trữ hiện nay bởi thương lái đều xuất ra nước ngoài, thì Việt Nam sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào vụ mùa sắp tới.
Trước mắt, Việt Nam chưa biết tình trạng giãn cách xã hội sẽ kéo dài bao lâu, hạn mặn sẽ ảnh hưởng trầm trọng như thế nào? Gần đây, nhiều người bệnh ở Hàn Quốc đã khỏi, nhưng vẫn bị nhiễm vi-rút corona trở lại ngay sau đó. Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh sẽ không thể chấm dứt cho đến khi thế giới tìm ra được vắc-xin (dự kiến từ 6 tháng đến một năm). Hạn mặn phá hủy đất đai, khiến cho nhiều khu vực của đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể canh tác trong nhiều năm.
Vì thế, số lượng lúa gạo sản xuất trong vụ mùa tới, cũng như lượng tồn kho của các thương nghiệp trong nước, sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi vì chúng ta không thể trông cậy vào kho dự trữ của nhà nước theo như báo cáo gần đây.
Nhìn vào tình hình an ninh lương thực, mới hiểu tại sao Thủ tướng Phúc hạn chế xuất khẩu gạo.
Bài học khẩu trang không thể quên được. Đừng học thêm bài học an ninh lương thực quốc gia.
Người Đà Lạt Xưa