Apache Việt Nam thực hiện sứ mệnh “yêu sách lãnh thổ” cho chủ quốc?

Một doanh nghiệp Việt vốn Trung Quốc vừa có một hành động cực kỳ nguy hiểm là giăng nhiều bản đồ công nhận “Hoàng Sa và Trường Sa” nằm trong hải phận “South China Sea”. Những tưởng công ty TNHH Giày Apache Việt Nam chủ là người Hoa này sang Việt Nam đơn thuần là hoạt động kinh doanh, nhưng không hóa ra đây chỉ là kẻ núp bóng DN Việt để thực hiện mưu đồ “cướp lãnh thổ” cho chủ quốc.

Việc công ty TNHH Giày Apache Việt Nam (vốn Trung Quốc) treo bản đồ “lưỡi bò” phi pháp là rõ ràng, không hiểu sao báo chí chỉ dám gọi nó là “bản đồ lạ”. “Bản đồ lạ” này được Apache giăng tới 6 tấm (kích thước 60x80cm) bằng ngôn ngữ Trung Quốc thể hiện vị trí các công ty Apache trên thế giới. Trong bản đồ có chi tiết thể hiện biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) là SOUTH CHINA SEA (Biển Nam Trung Hoa). Một điều phi pháp và không thể chấp nhận khi phần lãnh thổ của Việt Nam lại bị “công nhận là TQ” ở ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài một khi đã bước chân vào Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam, sử dụng bản đồ do Chính phủ Việt Nam phát hành để thể hiện vị trí của doanh nghiệp trên thế giới. SOUTH CHINA SEA (biển Nam Trung Hoa) là tên mà Trung Quốc gọi và cho đến hiện tại Việt Nam chưa hề chấp nhận cái tên này, vì nó không phải là “biển phía Nam của TQ” mà phải là “biến phía Đông của VN”. Do đó, giăng bản đồ bao trọn Hoàng Sa và Trường Sa và gọi là SOUTH CHINA SEA trên lãnh thổ VN là tuyệt đối không thể chấp nhận được.

Nếu các cơ quan chức năng Việt Nam mà làm ngơ chắc chắn sẽ tạo cớ cho Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền vô lý của mình. Việc đoàn kiểm tra của tỉnh Tiền Giang nhanh chóng bắt tay vào xử lý Apache là rất đáng hoanh nghênh, nhất là trong thời điểm hết sức nhạy cảm khi TQ đang tăng cường các hành vi xâm phạm bất hợp pháp chủ quyền của VN ở Biển Đông.

Apache chỉ là một trong hàng sa số các doanh nghiệp vốn Trung Quốc trải dài trên đất hình chữ S này. Chỉ tính riêng các dự án đăng ký mới, không tính các dự án đã và đang triển khai, Trung Quốc đã có tới 683 dự án đăng ký mới và tổng vốn 2,3 tỉ USD (tính tới cuối năm 2019). Vậy nếu đồng loạt các công ty vốn TQ đều giăng bản đồ “liếm trọn đường lưỡi bò” thì hệ lụy sẽ nghiêm trọng thế nào?

Còn nhớ cách đây không lâu, một công ty vốn Trung Quốc khác là Luxshare bất chấp luật pháp vẫn ngang nhiên đưa hàng ngàn lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp vào Việt Nam dấy lên mối lo ngại về một làn sóng người Trung Quốc tìm đường xâm nhập trái phép vào VN với âm mưu gây mất trật tự xã hội hay tấn công xâm lược.

Hay mới đây, một tập đoàn xây dựng đến từ Trung Quốc đã đặt vấn đề trúng thầu Dự án cao tốc Bắc-Nam với Việt Nam. Tập đoàn này hứa sẽ bỏ tiền đầu tư trước, phía Việt Nam sẽ hoàn tiền lại sau. Đây là miếng mồi thâm hiểm của các nhà thầu Trung Quốc. Phía Việt Nam đã nhận biết bao quả đắng vì thủ đoạn này, hàng loạt cái tên, như: Bô xít Tây Nguyên, nhiệt điện Vĩnh Tân, đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Cùng với nó là những hiểm họa liên quan đến an ninh quốc phòng, bởi con đường này chạy qua nhiều đoạn xung yếu dọc chiều dài của Việt Nam. Và hành động mới nhất giăng bản đồ “lưỡi bò” đã cho thấy mối hiểm họa ghê gớm mà các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc mang lại.

Các vụ việc trên đã giống lên một hồi chuông cảnh báo cho VN về tình hình kiểm soát các công ty, doanh nghiệp TQ núp bóng doanh nghiệp Việt. Nếu các công ty này lợi dụng để đưa hàng trăm ngàn lao động chui vào VN, rồi những người này dùng bản đồ trái phép để quảng bá khắp mọi miền đất nước, khi đó an ninh quốc gia có còn được đảm bảo? Đáng lo ngại là dù chính quyền địa phương biết, đã xử lý nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm. Chúng ta sẽ phải mạnh tay hơn nữa, thắt chặt kiểm soát không để các DN gốc Tàu có cơ hội lộng hành, coi thường luật pháp trên lãnh thổ VN như vậy.

Đ.Q