Tướng NATO: Thế giới không thể làm ngơ trước sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông
Tác giả bài viết, Đô đốc James Stavridis là Tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO và là Hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts. Ông đã dành phần lớn sự nghiệp hoạt động của mình ở Thái Bình Dương, bao gồm nhiều nhiệm vụ chỉ huy. Sau đây là bài phân tích của ông trên Asia Nikkei ngày 30/5.
Trong hai thập kỷ qua, chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đã gợi nhớ đến vị tướng và chiến lược gia cổ đại Tôn Tử với câu nói: “Nghệ thuật chiến tranh tối cao là khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu”. Trong thời kỳ hỗn loạn này, sự kiên nhẫn đó đã thay đổi khi Trung Quốc, bị thúc đẩy bởi viễn tưởng là Hoa Kỳ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo và bởi một thế giới đang phân tâm, đã trở nên ngày càng hung hăng hơn. Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép với các nước láng giềng và xây dựng sức mạnh hạm đội tàu chiến của nó.
Gần đây nhất, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân để gây áp lực cho các quốc gia duyên hải, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Một tháng trước, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu cá Việt Nam, một động thái bị cộng đồng quốc tế lên án.
Trung Quốc đang gia tăng áp lực chống lại tàu chiến Hoa Kỳ, sử dụng những tín hiệu mang tính khiêu chiến; di chuyển ở một khoảng cách gần và nguy hiểm; chiếu radar sóng nhiễu vào các tàu của Hoa Kỳ; bay sát phía trên các tàu chiến Mỹ.
Lẽ ra, với động thái nhanh chóng tái khởi động nền kinh tế, Trung Quốc đã có thể ở vị thế cung cấp sức mạnh mềm và kích thích kinh tế của nó cho các nước quanh Biển Đông.
Vậy chúng ta có thể suy luận những gì từ tất cả những điều này về chiến lược mới của Trung Quốc để củng cố kiểm soát ở đây?
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, từ đường bờ biển của nó đến “đường chín đoạn” mà nó vẽ ra trên bản đồ. Điều này có sự ảnh hưởng quốc tế to lớn vì tiềm năng dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và giao thương trong khu vực. Bắc Kinh đã ngoan cố duy trì các yêu sách trên biển Đông, bất chấp bị thua kiện tại tòa án trọng tài quốc tế, và phải đối mặt với sự phản kháng từ các quốc gia duyên hải – đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Hoa Kỳ đã tiến hành một chiến dịch tuần tra “tự do hàng hải” để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đang bành trướng bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo trên khắp vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đã ráo riết mở rộng hạm đội tàu chiến, tăng số lượng tên lửa hành trình “sát thủ tàu sân bay” và cải tiến công nghệ dưới biển. Tất cả những điều này giúp nó tự tin hơn khi phản ứng với các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ.
Chiến lược này cũng đang trở nên hung hăng hơn vì những lo ngại chính trị nội bộ của Trung Quốc. Khi Tập Cận Bình cố gắng củng cố quyền lực của mình, ông ta cần phải giữ được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu đang phát triển, nhưng một nền kinh tế chậm lại có nghĩa là cần phải đánh lạc hướng dư luận bằng một thứ “nước mắt cá sấu” khác. Điều đó biểu lộ ra ở giọng điệu dân tộc cực đoan hơn về Biển Đông.
Đối với phần còn lại của thế giới, các lựa chọn là khó khăn. Không nước nào muốn dính dấp vào một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện, hay thậm chí là một cuộc chiến vũ trang, với Trung Quốc. Nhưng để tránh điều này trong khi phản đối các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đòi hỏi áp lực kinh tế và ngoại giao đồng thời với răn đe quân sự.
Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ nên tìm cách dàn trận dựa trên sự lên án ngoại giao của tất cả các quốc gia trên Biển Đông cộng với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Về phía quân đội, sẽ cần có thêm các cuộc tuần tra hàng hải của không chỉ Hoa Kỳ mà cả các đồng minh khác – kể cả các quốc gia hàng đầu của NATO như Anh và Pháp.
Một phần khác của chiến lược phải bao gồm các yếu tố răn đe kinh tế, gồm cả kích thích và trừng phạt nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi nguy hiểm. Cuối cùng, một phần của cuộc đối đầu này sẽ xảy ra trong thế giới mạng, và ở đây cần có sự phòng thủ mạnh mẽ vì Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng điều đó để tuyên truyền bóp méo sự thật và trục lợi.
Tôn Tử là một người ủng hộ mạnh mẽ cho chiến thắng của sự kiên nhẫn, nhưng ông cũng nói rằng “cơ hội nhân lên khi chúng có thể bị chiếm giữ đột ngột bằng sức mạnh”. Bắc Kinh dường như đang làm điều đó ở Biển Đông.