“Oằn mình” cõng núi nợ 317% GDP sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc đứng trước nguy cơ tan rả?

Viện Tài chính Quốc tế (IFF) ước tính tổng số nợ trong nước của Trung Quốc đã tăng gấp 317% GDP quốc gia trong quý I/2020, tăng từ mức 300% GDP hồi quý IV/2019 sau sự bùng phát đại dịch Covid-19.

Trung Quốc “oằn mình” cõng núi nợ 317% GDPMột cách khái quát, nợ quốc gia Trung Quốc có thể chia thành nợ trong nước và nợ nước ngoài. Nợ trong nước được định giá bằng mệnh giá NDT, bao gồm nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình và nợ chính phủ. Nợ nước ngoài có mệnh giá bằng tiền ngoại tệ bao gồm nợ các công ty tư nhân vay tiền từ ngân hàng nước ngoài, các nguồn tín dụng thương mại từ đối tác nước ngoài, nợ chứng khoán mà các công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Viện Tài chính Quốc tế (IFF) ước tính tổng số nợ trong nước của Trung Quốc đã tăng tới 317% GDP quốc gia trong quý I/2020, tăng từ mức 300% GDP hồi quý IV/2019. Đây cũng là mức tăng nợ hàng quý lớn nhất trong lịch sử. Trong đó, nợ tiêu dùng là phân khúc tăng nhanh nhất, đặc biệt là các hình thức cho vay thế chấp, vay tiêu dùng. Nợ hộ gia đình đã tăng từ 51,4% trong quý IV/2018 lên 54,3% trong quý IV/2019 và dự kiến tăng mạnh trong năm 2020 do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Còn theo số liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc, nợ nước ngoài bao gồm nợ bằng đồng USD đã đạt mức 2,05 nghìn tỷ USD vào quý IV/2019.

"Núi nợ" của Trung Quốc lớn như thế nào sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 1.Nợ chính phủ Trung Quốc tăng mạnh lên 317% GDP trong quý I/2020
Hầu hết các khoản nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính thuộc sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát như ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng quốc doanh… Trong nhiều thập kỷ, các chính quyền địa phương Trung Quốc đã dựa vào tiền đi vay để làm đầy bảng cân đối kế toán thông qua phát hành trái phiếu địa phương, nhưng sử dụng dòng tiền này hầu như thiếu tính minh bạch. Theo Standard & Poor, trong năm 2019, Trung Quốc đã phát hành khoảng 4,36 nghìn tỷ NDT (614 tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương. Ước tính, tổng các khoản vay nợ chính quyền địa phương cho đến nay có thể lên tới 4,2 nghìn tỷ USD hoặc hơn nữa.

Trung Quốc hiện là thị trường trái phiếu lớn thứ 3 thế giới, bao gồm trái phiếu chính phủ quốc gia, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phát hành, cùng các loại chứng khoán thế chấp, chứng khoán bảo đảm bằng nhiều tài sản khác. Từ năm 2016 đến nay, chính phủ Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường này thông qua các chương trình mở cửa kinh tế. Ước tính, đến năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài gồm quỹ đầu tư, quỹ quản lý tài sản, quỹ phòng hộ… nắm giữ khoảng 2,19 nghìn tỷ NDT (308 tỷ USD) trái phiếu Trung Quốc. Nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số tài sản trái phiếu trên thị trường.

Quy mô nợ tăng nhanhCác chuyên gia nhận định mức nợ trong nước của Trung Quốc đã tăng nhanh do tham vọng phát triển kinh tế nhanh nhất có thể. Bắt đầu từ khi Trung Quốc cải cách thị trường hơn 40 năm về trước, các thực thể trong nền kinh tế bắt đầu gia tăng các khoản vay nợ, dùng nguồn tài chính vay nợ để đầu tư và phát triển kinh doanh tốc độ cao để gia tăng lợi nhuận và quay lại trả nợ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng là động lực để các doanh nghiệp, cá nhân tự tin vào những khoản vay như vậy.

Kể từ năm 2008 đến nay, nợ Trung Quốc đã tăng nhanh với tốc độ trung bình 20%/ năm, nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Trong nỗ lực chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Bắc Kinh đã tung hàng loạt gói kích thích kinh tế trị giá tới 4 nghìn tỷ NDT (586 tỷ USD), dẫn tới sự gia tăng đột biến các khoản nợ chính quyền địa phương và nợ doanh nghiệp nhà nước.

"Núi nợ" của Trung Quốc lớn như thế nào sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 2.Nợ Trung Quốc tăng bình quân 20%/ năm trong thập kỷ qua, trong khi tăng trưởng GDP ngày càng giảm tốc, thậm chí -6,8% trong quý I/2020
Đến năm 2016, Bắc Kinh quyết định tăng cường nỗ lực giảm gánh nặng nợ nhằm hạn chế rủi ro tài chính cho nền kinh tế do quan ngại về nguy cơ làn sóng vỡ nợ gây ra cuộc khủng hoảng trong hệ thống tài chính nước này. Các doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu giảm mức nợ trong khi Bộ tài chính tìm cách kiểm soát rủi ro vỡ nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương. Chính phủ Trung Quốc khi đó tuyên bố chấp nhận tăng trưởng kinh tế giảm tốc để quét sạch ngân hàng nợ xấu và thanh lý các khoản nợ trong nước.

Nhưng thương chiến Mỹ Trung leo thang năm 2018 với hàng loạt đòn trừng phạt thuế quan từ Mỹ đã buộc Bắc Kinh thay đổi lập trường chính sách, một lần nữa quay trở lại con đường kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua các gói vay tín dụng. Giờ đây, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh tế Trung Quốc đóng băng trong nhiều tuần một lần nữa buộc chính quyền ông Tập Cận Bình hành động để vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và viễn cảnh nợ Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2020 là điều không bất ngờ.

Đừng quên Trung Quốc cũng là chủ nợMột báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế được công bố vào tháng 5/2020 cho thấy Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất thế giới với các quốc gia thu nhập thấp. Ước tính, các khoản nợ tồn đọng mà Trung Quốc là chủ nợ đã tăng từ 875 tỷ USD năm 2004 lên 5,5 nghìn tỷ USD vào năm 2019, tức tương đương hơn 6% quy mô GDP toàn cầu.

Hầu hết các khoản vay mà Trung Quốc là chủ nợ đều xuất phát từ chính phủ Bắc Kinh hoặc các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Trong những năm qua, Trung Quốc được cho là tích cực gieo rắc các khoản nợ kinh tế khổng lồ đến nhiều nền kinh tế mới nổi ở Châu Phi, Trung Á thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường. Để phục vụ sáng kiến này, Bắc Kinh đã rót các khoản đầu tư khổng lồ vào các quốc gia này để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng đường biển và đường sắt nối liền Á Âu. Trên đường bộ là tuyến đường sắt thương mại kéo dài 11.000 km xuyên lục địa Á Âu, khởi hành từ Tây An, qua Trung Á tới Châu Âu. Huyết mạch đường biển là tuyến hàng hải vòng qua biển Đông, kéo dài qua Ấn Độ Dương tới Địa Trung Hải và kết thúc ở Italy – cửa ngõ vào Châu Âu.

Viện Tài chính Quốc tế cho hay kể từ khi sáng kiến Vành đai và Con đường ra mắt đến nay, Bắc Kinh đã chuyển ít nhất 730 tỷ USD cho các hợp đồng đầu tư và xây dựng tại hơn 112 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thông qua công cụ “ngoại giao bẫy nợ”, Trung Quốc được cho là tham vọng củng cố quyền lực mềm, thu về các lợi thế địa chính trị quan trọng.

Bên cạnh các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc cũng là chủ sở hữu lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ.

Chính việc Trung Quốc tăng cường bành trướng các khoản vay ở nước ngoài đã đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh có nên tiếp tục nhận được các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới World Bank với tư cách quốc gia đang phát triển hay không. Mỹ, cổ đông lớn nhất của World Bank từ lâu đã phản đối các khoản vay ưu đãi dành cho Trung Quốc. David Malpass, Chủ tịch World Bank cũng nhiều lần chỉ trích các nỗ lực gieo rắc nợ của Bắc Kinh thông qua dự án Vành đai và Con đường. Ông chỉ ra rằng các khoản vay như vậy làm suy yếu hệ thống tài chính của các quốc gia.

Đối diện với những chỉ trích như vậy, cùng với thực tế kinh tế trong nước tăng trưởng chậm, Trung Quốc đang dần cắt giảm các khoản cho vay ở Châu Mỹ Latinh và Châu Phi. Tập đoàn Rhodium (Mỹ) ước tính các khoản nợ của Châu Phi với Trung Quốc đã giảm từ mức cao 29 tỷ USD năm 2016 xuống 16 tỷ USD năm 2017 và đang có dấu hiệu tiếp tục giảm.

Tương lai nào cho gánh nặng nợ của Trung Quốc?

"Núi nợ" của Trung Quốc lớn như thế nào sau đại dịch Covid-19? - Ảnh 4.Gánh nặng nợ của Trung Quốc được dự báo mạnh trong năm 2020 sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19
Hệ thống tài chính Trung Quốc vốn đã lao đao sau làn sóng vỡ nợ trên thị trường cho vay và trái phiếu hồi năm 2019, với hàng loạt vụ vỡ nợ quy mô lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu có nguy cơ không thể thanh toán tại Trung Quốc đã đạt tới 60 tỷ NDT (8,7 tỷ USD), tương đương với tốc độ vỡ nợ năm 2018.. Mới đây nhất, đầu tháng 5 vừa qua, công ty dầu khí MIE Holdings của Trung Quốc tuyên bố không thể thanh toán khoản lợi suất 17 triệu USD cho 248 triệu USD trái phiếu đã niêm yết sau cuộc khủng hoảng trên thị trường dầu mỏ.

Nghiên cứu hồi đầu tháng 5 của ANZ Research chỉ ra các doanh nghiệp Trung Quốc có mức độ và tốc độ tích lũy nợ cao nhất Châu Á do chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát dịch bệnh Covid-19. Nếu tình trạng doanh thu thấp tiếp tục kéo dài, nó có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ hoặc hạ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp do quá hạn trả nợ. Còn Tianyancha, một công cụ tìm kiếm dữ liệu kinh doanh tại Trung Quốc chỉ ra hơn 460.000 công ty Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa vĩnh viễn trong quý I do không trụ nổi trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 rõ ràng đã làm trì trệ các hoạt động kinh tế, khiến nguồn thu ngân sách chính quyền địa phương giảm mạnh, qua đó làm giảm khả năng thanh toán và tăng gánh nặng nợ. Chính phủ Bắc Kinh buộc phải yêu cầu các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay tín dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ – động lực chính của nền kinh tế – để tránh rủi ro phá sản trong đại dịch.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hai lần cắt giảm lãi suất tham chiếu và ám chỉ chấp nhận nợ xấu tăng lên để tài trợ cho doanh nghiệp. “PBOC sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi sẽ hướng tới việc xử lý hợp lý mối tương quan giữa ổn định tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm, điều chỉnh cơ cấu, ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát lạm phát” – Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc cho biết trong một báo cáo mới đây.

Với hàng loạt những động thái nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ mới nhất, các nhà quan sát dự báo nợ quốc gia Trung Quốc sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm 2020 do tác động từ cuộc khủng hoảng đại dịch.

Thùy Dung (SCMP)