Nước Hoàng Hà đột nhiên trong vắt: điềm báo Trung Hoa sắp thay triều đổi đại có trở thành hiện thực?
Dự ngôn Thôi Bối Đồ có viết rằng: “Nước Hoàng Hà trở nên trong vắt thì sẽ có chân mệnh Thiên tử hoặc Thánh nhân giáng thế”; “Trong cõi tự có chân long xuất, chín đoạn Hoàng Hà nước không vàng”, phải chăng là chỉ “bĩ cực thái lai”, sẽ có Thánh nhân hoặc chân mệnh thiên tử xuất hiện? Đồng thời cũng là điềm báo cho một cuộc thay triều đổi đại sắp diễn ra trên dải đất Trung Hoa?…
Với rất nhiều dị tượng cộng cộng với sự việc nước sông Hoàng Hà trong này phải chăng sắp tới Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện nội loạn và thay triều đổi đại?
Sông Hoàng Hà khởi nguồn từ Thanh Hải, chảy qua khu vực cao nguyên Hoàng Thổ, Thiểm Tây. Do tác dụng chia cắt của dòng nước và tác dụng xói mòn của nước mưa, lớp phù sa tơi xốp hai bờ Hoàng Hà hàng năm đều bị cuốn trôi lượng lớn xuống sông. Hơn nữa đoạn sông Hoàng Hà ở địa giới Thiểm Tây đã hội tụ lượng nước của 9 dòng nhánh, mỗi nhánh sông cũng đem theo số lượng phù sa rất lớn đổ vào Hoàng Hà, khiến hàm lượng phù sa trong nước sông cực cao, nước sông Hoàng Hà quanh năm có màu vàng sẫm đục ngầu, nổi danh là “một gáo nước sông, nửa gáo phù sa”; “một thạch nước sông 6 đấu phù sa”, cái tên Hoàng Hà (Sông màu vàng) cũng từ đó mà ra.
Nước sông khu vực Hoàng Hà trở nên trong đương nhiên là chỉ đoạn chảy qua bình nguyên Hoa Bắc – và nước sông Hoàng Hà ở khu vực này biến chuyển sang trong xanh. Trong lịch sử đã ghi chép ít nhất 119 lần xuất hiện hiện tượng trên. Từ cổ xưa đến nay, mọi người thấy Hoàng Hà luôn có màu vàng, vì phù sa trong nước quá nhiều, trong dân gian còn lưu truyền câu nói: “Ngàn năm khó thấy Hoàng Hà trong”. Do đó nước sông Hoàng Hà trở nên trong là cảnh tượng “ngàn năm khó gặp”, đối với người xưa mà nói, thì đó là việc đại sự.
Từ cổ xưa đến nay, mọi người thấy Hoàng Hà luôn có màu vàng, vì phù sa trong nước quá nhiều, trong dân gian còn lưu truyền câu nói: “Ngàn năm khó thấy Hoàng Hà trong”. (Ảnh: Wikipedia- CC BY 2.5)
Hoàng Hà trong, Bắc Tống diệt vong
Trong lịch sử, thời Tống Huy Tông tại vị, ông đã trải qua 3 lần sự kiện Hoàng Hà trở nên trong.
Năm 1100 Tống Huy Tông đăng cơ, năm 1126 thoái vị, tại vị 26 năm.
Lần thứ nhất là năm 1107, Hoàng Hà đột nhiên trở nên trong vắt, khu vực nước trong kéo dài khoảng 800 dặm trong 7 ngày 7 đêm. Sau đó các quan lại các địa phương tấp nập dâng sớ thông báo, đồng thời cho rằng đây là điềm lành. Họ nào biết nước sông Hoàng Hà trong là bắt đầu báo hiệu triều Bắc Tống diệt vong. Cũng trong năm đó Hoàng đế khai quốc triều Nam Tống là Triệu Cấu ra đời.
Sau đó liên tục 3 năm, nước Hoàng Hà lại 3 lần trở nên trong vắt. Có thể nói đó là ngàn năm chưa từng có. Trong những tiếng nói vui mừng bởi vẻ ngoài giống như điềm lành này, bách tính bắt đầu nghi hoặc, có thật là điềm báo chúng ta sẽ đón nhận thời thịnh thế ngàn năm chưa từng có không? Những quan lại thấy gió chiều nào che chiều ấy cũng bắt đầu viết thơ ca a dua xu nịnh rằng: “Nước Hoàng Hà trong, thái bình thịnh thế”.
Tuy nhiên thực tế lại là dù 3 năm liên tục Hoàng Hà xuất hiện nước trong nhưng triều đại chẳng đem lại cái gì gọi là thịnh thế. Trái lại biên giới quốc gia liên tiếp bị ngoại tộc xâm phạm. Mấy năm sau, quân Kim hung hãn đánh thẳng xuống phía nam bao vây kinh đô Biện Kinh, bắt sống Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông và cả gia tộc hoàng gia đem về nước. Đến tận khi chết, Tống Huy Tông vẫn chưa được trở về nước. Cuối cùng dẫn đến triều Bắc Tống diệt vong. Đây là đại nhục của triều Tống mà lịch sử gọi là “Tĩnh Khang chi biến” (Sự kiện Tĩnh Khang).
Trong sự kiện Tĩnh Khang này, thì con trai thứ 9 của Tống Huy Tông là Triệu Cấu – người chào đời trong thời gian nước Hoàng Hà trong lần thứ nhất, đã may mắn thoát nạn. Triệu Cấu dời đô về phía nam, định đô ở Hàng Châu mở đầu triều Nam Tống.
Đến tận khi chết, Tống Huy Tông vẫn chưa được trở về nước. Cuối cùng dẫn đến triều Bắc Tống diệt vong. (Ảnh: Wikipedia)
Năm Canh Tý 2020 nhiều dị tượng, tháng 5 nước Hoàng Hà trong.
Đến tháng 5 năm 2020, dân chúng phát hiện nước Hoàng Hà, đoạn dưới cầu Đại Kiều xuất hiện hiện tượng nước sông đột nhiên trong chưa từng thấy. Đây là chuyện lạ chưa từng có trong mấy trăm năm qua.
Thực tế từ năm 2000, Hoàng Hà đã bắt đầu trong, và kéo dài đến nay. Theo chuyên gia lịch sử địa chất Lý Ngạc Vinh, lịch sử ghi chép lần “Hoàng Hà trong” một đoạn dài nhất là năm 1727, Hoàng Hà trong kéo dài hơn 2000 dặm. Nhưng “Hoàng Hà trong” xảy ra ở thế kỷ này có thời gian kéo dài vượt xa những ghi chép lịch sử, thực sự là “hiếm có trong lịch sử”.
Dân chúng phát hiện nước Hoàng Hà, đoạn dưới cầu Đại Kiều xuất hiện hiện tượng nước sông đột nhiên trong chưa từng thấy. (Ảnh qua Secretchina.com)
Hoàng Hà trong, Thánh nhân xuất hiện
Có câu cổ ngữ rằng: “Thánh nhân xuất hiện, nước Hoàng Hà trong”.
Thời Tam Quốc, Lý Khang triều Ngụy viết “Vận Mệnh Luận” có đề cập đến nội dung: “Nước Hoàng Hà trong thì Thánh nhân xuất hiện”.
La Quán Trung triều Minh viết trong Bình Sơn Lãnh Yến rằng: “Khắp trời có Đạo thì Thánh nhân sinh ra, núi sông khắp nơi đều linh ứng theo. Ô trọc trần gian đào thải hết, Hoàng Hà vạn dặm nhất thời trong”.
Dự ngôn Thôi Bối Đồ nổi tiếng triều Đường có nói rằng: “Nước Hoàng Hà trở nên trong vắt thì sẽ có chân mệnh Thiên tử hoặc Thánh nhân giáng thế”.
Tượng thứ 54 Thôi Bối Đồ có sấm viết: “Lỗi lỗi lạc lạc, một cuộc cờ tàn, ăn ở tạm an, tuy cười lại khóc”; và có tụng viết: “Không phân trâu chuột với trâu dê, bỏ lông còn da còn xưng cường. Trong cõi tự có chân long xuất, chín đoạn Hoàng Hà nước không vàng”.
“Trong cõi tự có chân long xuất, chín đoạn Hoàng Hà nước không vàng” phải chăng là chỉ điềm tượng “bĩ cực thái lai”, sẽ có Thánh nhân hoặc chân mệnh thiên tử xuất hiện.
Tượng thứ 54 Thôi Bối Đồ. (Ảnh qua Chanhkien.org)
“Hoàng Hà trong” dự báo về sự thay triều đổi đại hoặc sẽ có phản loạn?
Ngoài câu cổ ngữ “Thánh nhân xuất hiện, nước Hoàng Hà trong” ra thì còn có câu “Hoàng Hà đang đục lại trong là âm sẽ làm dương”, tức Hoàng Hà trong là dấu hiệu triều đại không lành, có phản loạn.
Hậu Hán Thư có ghi chép, năm Diên Hy thứ 8 thứ 9 (năm 165 – 166) đời Hán Hoàn Đế Lưu Chí Hoàn, Hoàng Hà liên tục trong, đương thời bá quan trong triều đều cho là điềm lành. Tuy nhiên phương sĩ nổi tiếng đời Đông Hán là Tương Khải lại cho rằng: “Hoàng Hà là vị trí chư hầu. Nước trong thuộc dương, đục thuộc âm. Nước Hoàng Hà vốn đục lại chuyển sang trong tức âm sẽ làm dương, chư hầu sẽ làm đế vương”. Năm sau Hán Hoàn Đế băng hà.
Cố Viêm Vũ, học giả cuối đời nhà Minh đã phân loại ghi chép lại những sự việc này rằng:
Năm thứ 9 đời Hoàn Đế, Hoàng Hà trong, năm sau Hoàn Đế băng hà. Giải Độc Đình Hầu vào kinh kế vị hiệu Linh Đế.
Thời Võ Thành Đế triều Bắc Tề, Hoàng Hà trong, hơn 10 năm sau, nhà Tùy giành được thiên hạ.
Thời Tùy Dương Đế, Vũ Dương và Long Môn xảy ra vài lần Hoàng Hà trong, sau đó triều Đường đánh bại nhà Tùy làm chủ thiên hạ.
Tranh vẽ Tùy Dượng Đế của Diêm Lập Bản (600 – 673), họa sĩ thời Đường. (Ảnh: Wikipedia)
Thời Vệ Thiệu Vương nhà Kim, Hoàng Hà trong, 4 năm sau, Kim Tuyên Tông soán ngôi.
Năm Chí Chính thứ 21 đời Nguyên Thuận Đế, Hoàng Hà từ vùng Bình Lục trở xuống nước sông trong trên 500 dặm, liền sau đó Minh Thái Tổ dấy binh đánh bại nhà Nguyên đoạt thiên hạ.
Những năm Chính Đức nhà Minh, Hoàng Hà trong, Minh Vũ Tông băng hà không người kế vị, Hưng Vương Chu Hậu Thông được chọn lên ngôi.
Năm Thái Xương nhà Minh, Hoàng Hà trong, Minh Hy Tông chết trẻ, các con còn nhỏ, Tín Vương Chu Do Kiểm lên ngôi, hiệu Sùng Trinh.
Với rất nhiều dị tượng trong năm nay, cùng với hình thế quốc tế đồng lòng chống lại sự thâm nhập và bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, cộng với dị tượng nước sông Hoàng Hà trong này, có lẽ mang theo điềm báo về những sự kiện nội loạn và thay triều đổi đại ở Trung Quốc sẽ diễn ra trong thời gian tới chăng? Chúng ta hãy cùng chờ xem…
Nguồn: ntdvn