Những “trùm tình báo” phía sau Thượng đỉnh Mỹ – Triều
Xung quanh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa qua, cả Washington và Bình Nhưỡng đều có dụng ý riêng khi cắt cử những phụ tá sở hữu “quyền lực ngầm” để hiện thực hóa cái gọi là chiến lược từ cứng rắn đến mềm dẻo, khi thì đe dọa rút lui, lúc lại nhấn mạnh tầm quan trọng của một “thỏa thuận thế kỷ”.
Những phụ tá này đã vượt hàng nghìn cây số để đàm phán và trao đổi chính sách trước cuộc “chạm trán” giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Rốt cuộc thì họ là ai?
Những “lá bài” cao tay
Ông Kim Jong-un có vẻ khá cao tay khi lựa chọn những “lá bài” thân cận nhất để tạo thế “trên cơ” ở bàn đàm phán Mỹ – Triều. Cái tên đầu tiên phải nhắc đến chính là Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol – cánh tay phải của ông Kim làm trung tâm trong các cuộc đàm phán song phương.
Nhân vật này được mệnh danh là “trùm tình báo”, dẫn dắt Tổng cục Trinh sát Triều Tiên (RGB), đã phục vụ 3 thế hệ lãnh đạo và những tháng gần đây xuất hiện như một trong những nhân vật quyền lực nhất của chế độ Kim Jong-un.
Ông tỏ ra cực kỳ thông minh, vững vàng nhưng đầy cảnh giác về các vấn đề bỏ vũ khí hạt nhân và dường như “vượt trội” hơn hẳn trong “nhóm nội bộ” của ông Kim.
Có một thực tế là, mọi tiếp xúc của Washington hay Seoul với nhà lãnh đạo Triều Tiên đều phải đi qua “cánh cửa” Kim Yong-chol. Giới quan sát cho rằng, Kim Yong-chol là nhân vật quan trọng và có tầm ảnh hưởng thấy rõ trong sự thay đổi cách tiếp cận của Triều Tiên đối với Hàn Quốc và Mỹ, đặc biệt là từ đầu năm đến nay.
Chuyến đi của ông Kim Yong-chol tới Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng và Washington có kênh liên lạc trực tiếp và đang phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề.
Kim Yong-chol mang theo một sứ mệnh quyết định sự thành – bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều bằng việc chốt chương trình nghị sự cùng những nội dung trọng tâm của cuộc gặp. Và người Kim Yong-chol phải đối mặt cũng lại là một “trùm tình báo” khác – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Sau khi được bổ nhiệm trở thành Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), Mike Pompeo nhanh chóng thiết lập sự giám sát tại Bán đảo Triều Tiên và điều tra về chương trình phát triển hạt nhân tại nước này.
Thời còn đứng đầu CIA, ông cũng đã đến thăm Triều Tiên vào đầu tháng 4/2018, rồi quay lại sau một tháng trên cương vị Ngoại trưởng để gặp chính ông Kim Jong-un nhằm đánh giá tính nghiêm túc trong tuyên bố phi hạt nhân hóa của người đứng đầu Bình Nhưỡng.
Sau đó, Pompeo lại được giao trọng trách “tiếp xúc” Kim Yong-chol – cuộc gặp then chốt đặt nền móng cho chính thượng đỉnh Trump – Kim, và cho thấy rõ rằng hai bên đang tự quan sát lẫn nhau để biết cách “hiệu chỉnh” hướng đi đàm phán.
Mike Pompeo cũng chứng tỏ bản thân là đối thủ xứng tầm của Kim Yong-chol khi hai cựu điệp viên bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa… trên bàn ăn.
Ngoài ra, ông cũng khéo léo giữ liên lạc với Bình Nhưỡng trong 8 ngày từ khi ông Trump đòi hủy họp đến khi nhà lãnh đạo đổi ý tiếp tục hội nghị thượng đỉnh như dự kiến.
Không sai khi ông Trump cắt cử Pompeo đi “đánh xứ người”, để “thăm dò” xem liệu người đứng đầu nhà nước Triều Tiên có đang dùng yêu sách “nhử mồi và chuyển hướng” và đưa Trump vào một cái bẫy gây suy yếu liên minh Mỹ – Hàn, hoặc thậm chí xa hơn nữa?
Người quen giáp mặt
Trong “nhóm nội bộ”, Kim Jong-un cực kỳ chú ý đến “nữ tướng” Choe Son Hui – người được coi là đối thủ ngang tầm với Tổng thống Mỹ trong đàm phán về hạt nhân.
Chính vị Thứ trưởng Ngoại giao này đã lớn tiếng chỉ trích Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton khi ông này nói muốn áp dụng mô hình Libya cho Triều Tiên, hay gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “bù nhìn chính trị” khi so sánh Libya với Triều Tiên.
Choe Son Hui là nhà ngoại giao kỳ cựu có mặt tại các cuộc đàm phán quốc tế, trong đó có những cuộc đàm phán 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) về giải trừ vũ khí hạt nhân được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2008.
Các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình chỉ từ tháng 2-2012. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà Choe Son Hui vẫn tiếp tục trao đổi quan điểm với các cựu quan chức Chính phủ Mỹ tại các hội nghị quốc tế.
Bà đã liên hệ với đặc phái viên Mỹ Joseph Yun tại Na Uy vào tháng 5-2017 để trao đổi về trao trả tự do cho sinh viên Mỹ từng bị Triều Tiên bắt giữ ở Bình Nhưỡng.
Quan trọng hơn, một ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore, bà thậm chí đã gặp Sung Kim – nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu, hiện là Đại sứ Mỹ tại Philippines – để thực hiện các khâu chuẩn bị cuối cùng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Cuộc gặp chớp nhoáng này một lần nữa phản ánh động thái thăm dò ngay trước thềm hội nghị quan trọng vì sự xuất hiện của hai “mắt xích” trong chiến lược ngoại giao của Washington và Bình Nhưỡng.
Với tư cách là một nhà ngoại giao, Sung Kim đảm nhiệm công việc liên quan đến vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng và trở thành chuyên gia về Triều Tiên cũng như vấn đề hạt nhân của nước này. Ông đã hơn 10 lần đến thăm Bình Nhưỡng, cũng như tham gia tất cả các cuộc đàm phám 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Thế nên, Sung Kim được tiến cử để “đối chọi” với Choe Son Hui nhờ kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên, mà theo truyền thông, phần nào đủ sức “uy hiếp” đối phương. Sung Kim và Choe Son Hui biết nhau khá rõ khi cả hai từng là thành viên trong đoàn đàm phán thỏa thuận giải trừ hạt nhân Triều Tiên hồi năm 2005.
Cuộc gặp giữa hai chính khách cùng theo đuổi lối đàm phàn cứng rắn tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã làm rõ tiến trình phi hạt nhân hóa, từ việc tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng đến các bảo đảm của Washington đối với chế độ Kim Jong-un, đồng thời cho thấy hai bên đều tỏ ra… có thiện chí.
Sứ giả truyền thông điệp
Khi mà Mỹ và Triều Tiên đang “dò xét” nhau ở chiến tuyến thì Hàn Quốc vẫn âm thầm ở hậu trường để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình. Cái tên nổi bật khác đảm bảo cho lộ trình thượng đỉnh Trump – Kim là Chung Eui-yong, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc.
Ông Chung Eui-yong từng hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao từ năm 1972, có kinh nghiệm sâu rộng trong phối hợp với Mỹ về một loạt vấn đề liên quan đến ngoại giao và an ninh. Đặc biệt hơn, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc gần gũi với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Vị quan chức này từng tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc gặp em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong và ông Kim Yong-chul tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang vừa diễn ra.
Với vai trò đặc phái viên của Hàn Quốc, Chung Eui-yong đến Bình Nhưỡng vào tháng 3 để gặp ông Kim Jong-un theo yêu cầu của Tổng thống Moon Jae-in nhằm đưa ra thỏa thuận về một hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều.
Tại đây, ông thảo luận kế hoạch giúp cách thức cải thiện quan hệ liên Triều và tạo ra một môi trường thích hợp để Mỹ và Triều Tiên khởi động đối thoại.
Chính khách này cũng gửi đi thông điệp Hàn Quốc sẽ tìm cách thuyết phục Triều Tiên nối lại đối thoại với Mỹ, vốn được thúc đẩy trong khuôn khổ Thế vận hội Pyeongchang, nhằm tiến tới mục đích phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Quan trọng hơn, ông đã tổ chức các cuộc đàm phán chuyên sâu với đại diện Triều Tiên qua nhiều phương thức khác nhau để Triều Tiên xúc tiến đối thoại không chỉ với Hàn Quốc mà còn với Mỹ và sau đó là cả cộng đồng quốc tế.
Việc cử đặc phái viên Chung Eui-yong tới Triều Tiên cho thấy quyết tâm của Tổng thống Moon Jae-in trong việc tạo ra điều kiện cần thiết để Washington và Bình Nhưỡng có thể ngồi vào bàn đàm phán.
Đây cũng là quyết định sáng suốt và phù hợp bởi Chung Eui-yong là một chuyên gia trong xử lý quan hệ với Triều Tiên, lại phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong việc đưa ra bất cứ phản ứng nào đối với Triều Tiên.
Ông Chung Eui-yong được cho là đã bí mật tới Washington, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, theo lời mời của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng (NSC).
Cho dù nội dung buổi gặp không được tiết lộ, nhưng truyền thông cho rằng thông qua chuyến đi này, ông Chung Eui-yong đã có những trao đổi tích cực với NSC về các vấn đề liên quan đến thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Quan trọng hơn, Chung Eui-yong đã tận dụng cơ hội này để mang thông điệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến cho Tổng thống Donald Trump, rằng ông Kim mong muốn được “ngồi chung bàn” với ông Trump. Đây là sự kiện chính thức bắt đầu quá trình đàm phán dẫn đến “thỏa thuận thế kỷ”, đem lại hi vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo CAND