Mỹ đứng trước nguy cơ trở thành Italy thứ 2 do dịch covid-19

Với tốc độ gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm và tử vong vì virus corona, Mỹ có nguy cơ trở thành Italia thứ hai – nơi hiện là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu.

Hai tuần trước đây, việc giữ khoảng cách an toàn giữa người này với người kia tại Mỹ chỉ là một đề xuất được đưa ra để tránh lây lan virus corona. Còn bây giờ, sau khi số ca nhiễm tại Mỹ tăng vọt hơn 3.000 người chỉ trong 6 ngày, ít nhất 12 lãnh đạo của các bang và thành phố đã chuyển đề xuất trên thành mệnh lệnh.

Giới chức y tế cho rằng Mỹ đã đến thời điểm bước ngoặt của dịch Covid-19, đồng thời cảnh báo nếu người dân không thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh trên, nước này có thể đối mặt với tình trạng tương tự Italia hiện nay. Italia, nước được xem là “ổ dịch” lớn nhất tại châu Âu, đã bị phong tỏa từ tuần trước khi ghi nhận hơn 1.800 ca tử vong và hơn 24.700 ca nhiễm virus corona.

“Chúng ta đang có số ca nhiễm tương đương Italia cách đây 2 tuần. Chúng ta phải lựa chọn. Liệu chúng ta thực sự muốn tuân thủ chiến lược giữ khoảng cách an toàn và kiềm chế dịch bệnh, hay chúng ta vẫn muốn duy trì mọi thứ như bình thường rồi cuối cùng trở thành Italia”, Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams đặt câu hỏi.

“Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt quan trọng của đất nước. Khi nhìn vào các dự đoán, rất có khả năng chúng ta trở thành Italia thứ hai”, AP dẫn lời ông Adams cảnh báo.

2 tuần trước, Italia chỉ ghi nhận 1.700 ca nhiễm virus corona và 34 ca tử vong. Bây giờ, Italia có ít nhất 27.980 ca nhiễm, trong đó 2.158 người đã tử vong.

Vào tối ngày 15/3, Mỹ ghi nhận 3.349 ca nhiễm virus corona. Con số này tăng hơn 1.000 người chỉ trong 24 giờ đồng hồ. Tính đến hôm nay 17/3, Mỹ đã ghi nhận ít nhất 88 ca tử vong và hơn 4.500 ca mắc Covid-19.

Tổng y sĩ Adams cho rằng mặc dù Mỹ đã đạt được bước tiến trong việc xét nghiệm các ca nghi mắc Covid-19, một phần quan trọng trong việc theo dõi và kiểm soát dịch, song liệu điều này có mang lại kết quả tích cực hay không vẫn còn phải xem xét.

Hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch

Thị trưởng thành phố New York cho biết ông sẽ yêu cầu tất cả quán bar, nhà hàng, quán cafe chỉ bán đồ có thể mang đi hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng.

“Bạn phải nhìn nhận điều này dưới góc độ thời chiến”, Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 16/3 nói.

Không chỉ tại New York, người dân trên toàn nước Mỹ cũng nhận được chỉ thị tương tự.

Giới chức y tế tại bang Colorado đã chỉ đạo các nhà hàng, quán bar, phòng gym, nhà hát và sòng bạc đóng cửa trong 30 ngày. Các cửa hàng vẫn được phép bán đồ ăn và đồ uống thông qua các hình thức giao hàng.

“Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác, tình hình của Washington và dữ liệu mẫu, chúng ta càng sớm bắt đầu thực hiện các biện pháp cách ly xã hội trên quy mô đủ lớn, chúng ta càng nhanh chóng kiềm chế được sự lây nhiễm của virus”, CNN dẫn lời Giám đốc Điều hành Cục Môi trường và Y tế Cộng đồng Colorado Jill Hunsaker Ryan cho biết.

Các mệnh lệnh tương tự cũng được đưa ra tại các bang gồm Maryland, Kentucky, Louisiana và Indiana. Trong khi đó, các bang như New York, New Jersey, Connecticut, Michigan và Wisconsin tuần này cũng đưa ra lệnh cấm tụ tập quá 50 người.

Tại San Francisco, Thị trưởng London Breed đề nghị người dân ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự có nhu cầu cần thiết như mua đồ, gặp cảnh sát, tới ngân hàng, trạm xăng hay hiệu thuốc.

“Chúng tôi hiểu rằng những biện pháp này sẽ làm xáo trộn đáng kể cuộc sống hàng ngày của mọi người, nhưng chúng hoàn toàn cần thiết. Đây sẽ là thời khắc quyết định đối với thành phố của chúng ta và chúng ta có trách nhiệm phải đóng góp một phần của mình để bảo vệ hàng xóm và làm chậm lại quá trình lây nhiễm virus bằng cách ở trong nhà, trừ khi thực sự cần thiết phải đi ra ngoài”, Thị trưởng San Francisco nói.

Các chỉ đạo trên được đưa ra cùng ngày chính phủ liên bang Mỹ công bố bộ hướng dẫn dành cho 15 ngày chống dịch sắp tới, trong đó có yêu cầu tránh tụ tập đám đông quá 10 người. Người dân Mỹ cũng được khuyến cáo tránh ăn uống tại các quán bar, nhà hàng và nên sử dụng các dịch vụ vận chuyển đồ.

Tăng cường xét nghiệm

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng bị chỉ trích vì không cung cấp đủ bộ xét nghiệm để kiểm soát sự lây lan của virus corona và tiến hành việc xét nghiệm chậm trễ. Thậm chí, Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, thừa nhận chính phủ Mỹ đã thất bại trong công tác đối phó dịch Covid-19.

Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cho biết sẽ có 30 đến 40 địa điểm xét nghiệm mới đi vào hoạt động ở 19 bang. Theo đó, mỗi nơi có thể thực hiện 2.000 đến 4.000 xét nghiệm mỗi tuần.

Tuy nhiên, Brett Giroir, một quan chức quản lý y tế cấp cao, cho biết các cơ sở xét nghiệm cộng đồng được điều hành bởi Cơ quan quản lý Khẩn cấp Liên bang và các thành viên của cơ quan y tế công cộng Mỹ, sẽ có khả năng xét nghiệm tới 2.000 đến 4.000 người mỗi ngày chứ không phải mỗi tuần. Ông Giroir nói rằng chính phủ liên bang sẽ bắt đầu triển khai các cơ sở xét nghiệm trên vào tuần tới.

Theo Dân trí