Lương chỉ 13 triệu đồng, Phó chánh tòa TP.HCM phải làm thêm
Bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM tiết lộ mức lương của bà chỉ chừng 13 triệu đồng và bà phải làm thêm bên ngoài để có thêm thu nhập.
‘Không ai muốn làm lãnh đạo’
“Mình chỉ làm thêm kiếm tiền lương thiện thôi. Mình cũng không cần nhiều tiền, không cần giàu có, chỉ cần một mức thu nhập đủ sống”, nữ Phó chánh án TAND TP.HCM chia sẻ với VietNamNet.
Bà Thúy nói về lý do hàng loạt thẩm phán thời gian qua liên tục xin nghỉ việc bằng chính câu chuyện của mình. Đó là mức lương quá khiêm tốn, trong khi áp lực công việc lại quá cao.
“Nhiều khi mình xử án không đúng ý người dân, họ nói chắc là có ‘chạy’ rồi nên bên kia mới thắng. Nhiều khi bác đơn của họ, họ lại nghĩ là thế nào cũng ‘chạy’ rồi”, bà Thúy chia sẻ áp lực chung của ‘người cầm cân nảy mực’.
Bà kể, có những vụ người dân viết đơn ‘tố’ thẩm phán có hiện tượng làm sai lệch hồ sơ vụ án, rồi tham nhũng, tố giác có dấu hiệu tội phạm rồi căng băng rôn trước tòa.
“Tòa án TP hiện không ai muốn làm lãnh đạo, làm lãnh đạo là hy sinh. Một thẩm phán ở tòa quận Bình Thạnh không muốn làm phó chánh án mà xin làm thẩm phán thường vì làm thẩm phán thôi cũng đã là áp lực rất nhiều rồi”, Phó chánh án TAND TP.HCM nêu thực tế.
Bà liệt kê hàng loạt công việc của các nữ thẩm phán, vừa phải lo công việc gia đình, phải đi họp, hội thảo, giải quyết khiếu nại… “Quá trời việc, không ai muốn làm lãnh đạo cả”.
Bà Thúy dẫn chứng bản thân bà dù đang đi họp QH nhưng vẫn giải quyết khiếu nại ở nhà. Bởi vì theo quy định về tố tụng, mọi hành vi của thẩm phán thì đương sự được quyền khiếu nại.
“Bất cứ thẩm phán làm gì, mời người ta lên tham gia tố tụng người ta đã khiếu nại rồi. Ban hành quyết định không đúng ý họ, cũng khiếu nại. Như tôi mỗi năm giải quyết 5.000 đơn khiếu nại”, bà nêu khó khăn.
Bà so sánh việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ở tòa Hà Nội chỉ có 26 đơn, ở TP.HCM 376 đơn nên áp lực nhiều lắm.
Phó chánh án TAND TP.HCM cho biết, tình trạng thẩm phán, thư ký tòa xin nghỉ việc năm nào cũng có và càng ngày càng nhiều.
Hiện nay mỗi năm án tăng 10.000 vụ, trong khi biên chế vẫn là con số từ năm 2016, lúc đó chỉ hơn 50.000 vụ, còn giờ lên 75.000 vụ. Mới 6 tháng đầu năm nay, TAND TP.HCM đã thụ lý hơn 40.000 vụ.
Bà kể, có nữ thẩm phán xin nghỉ lần thứ 2, lý do của họ đưa ra là sức khỏe không đáp ứng được với cường độ làm việc quá nhiều, quá áp lực như hiện nay.
Bà kể thêm công việc của các thẩm phán, có nhiều vụ tranh chấp do người dân có đơn yêu cầu thì tòa mới giải quyết. Thế nhưng khi tòa mời họ lên với tư cách là bị đơn thì bị nói là tòa dựng hồ sơ giả mạo lên, đưa họ vào tư cách bị đơn… Trong đó, có những trường hợp chính anh em trong gia đình kiện nhau, tranh chấp thừa kế họ khiếu nại.
Làm ở tòa lương vài triệu, ra làm luật sư 25 triệu đồng/tháng
Trong khi đó, thư ký tòa lương 3-4 triệu/tháng nhưng nghỉ việc ra làm luật sư thì lương của họ là 25 triệu/tháng. “Có trường hợp ra làm bảo vệ, lương tuy không cao bằng làm luật sư nhưng nhẹ nhàng, không áp lực như ở tòa”, Phó chánh án TAND TP.HCM kể.
Theo bà Thúy, nguồn nhân lực đầu vào để bù đắp cho những người xin nghỉ việc bây giờ cũng không có. Rất nhiều em muốn vào tòa nhưng mới quá không vào được và hiện còn đang giảm biên chế.
“Số nhân sự vừa nghỉ, cùng với số vừa lên thẩm phán nên nhiều khi một thư ký phải làm cho 3 thẩm phán. Lương có bấy nhiêu đó mà làm việc gấp 3 lần thì họ nghỉ sớm hơn nữa”, nữ Phó chánh án chia sẻ.
Bà dẫn chứng ngay chính trường hợp của bà để nói về hành trình để trở thành một thẩm phán không phải đơn giản.
“Bản thân tôi ngày xưa làm thư ký 10 năm, làm cho rất cả các bộ phận hình sự, dân sự. Rồi được cơ quan, địa phương tín nhiệm, lý lịch rõ ràng, được đi học lớp nghiệp vụ xét xử rồi phải thi mới được làm thẩm phán”, bà Thúy kể.
Một áp lực khác cũng được bà Thúy chia sẻ, đó chính là công việc mà mỗi thẩm phán đối mặt hàng ngày: “Đọc hồ sơ hình sự từng trang, từng chữ một, để sai sót một chữ là phải làm lại hết rồi”.
Chẳng may nhận thức không đúng, thẩm phán cho hưởng án treo không đúng thì đã bị tạm ngưng công việc được giao, không tái bổ nhiệm và phải giải trình.
Ví dụ khi lên phúc thẩm sai một chút xíu như việc niêm yết 15 ngày mà đếm có 14 ngày là án đó bị hủy. Các thẩm phán viết một bản án hai mấy trang mà lên xuất hiện tình tiết mới là vụ án hủy luôn.
“Có những cái không chính xác thì có thể cho qua được nhưng đối với tòa không chính xác là làm lại. Vì đây là thực hiện quyền tư pháp, quyền con người nên đòi hỏi người làm thẩm phán phải đầu tư, nghiên cứu rất nhiều”, bà nhấn mạnh, thế nhưng đãi ngộ lại thì không tương xứng.
“Cái nghề này rất cao quý, đòi hỏi mình lúc nào cũng phải chuẩn mực, độ chính xác cao. Máy móc nhiều khi lỗi còn cho qua được chứ tòa xử án có thiếu sót một tí họ vin vào đó khiếu nại là phải hủy hết”, Phó chánh án TAND TP.HCM bộc bạch.
(Nguồn: VietnamNet)