Lộ nhân vật đứng sau khơi mào cuộc chiến nảy lửa giữa ông Trump và Tập Cận Bình
Ông Peter Navarro, người giữ vị trí tư vấn cho Tổng thống Donald Trump, là một trong số ít nhân vật có tác động tới quyết định phát động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Theo đó, phía Mỹ cần có đạo luật thương mại công bằng với Trung Quốc và khởi xướng chiến tranh thương mại nếu cần.
Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra vào tháng 7/2018, rồi liên tục leo thang, dẫn tới việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nội tệ, khiến đồng Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD và nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã ghi nhận nhiều sự thay đổi.
Quốc gia này đã chuyển mình từ trạng thái “Giấu mình chờ thời” sang “Bành trướng trên mọi mặt trận”. Điều này thể hiện qua việc Trung Quốc phát triển thương mại, tiến vào châu Mỹ Latinh. Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc tiến hành mua các công ty công nghệ, ép chuyển giao công nghệ và thực hiện kế hoạch Made in China 2025 với mục tiêu biến Trung Quốc thành “siêu cường sản xuất” có thể cạnh tranh với Mỹ và các quốc gia hàng đầu về công nghệ.
Về hoạt động đầu tư bên ngoài biên giới Trung Quốc, chiến lược nổi tiếng nhất, được nhiều quốc gia quan tâm chính là sáng kiến “Vành đai, Con đường”, hướng tới các quốc gia giàu tài nguyên hoặc có vị trí chiến lược. Tuy nhiên, trong những dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc, nỗi lo về “nợ không trả được” dần trở thành quan ngại phía sau quyết định của các Chính phủ.
Từ đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phát động cuộc chiến tranh thương mại, thay đổi chính sách đối ngoại. Trong đó, Mỹ đã thay đổi quan hệ với các nước đồng minh, Rút khỏi các thỏa thuận quốc tế bao gồm biến đổi khí hậu hay hiệp ước hạt nhân với Nga. Đồng thời, củng cố vị thế độc tôn.
Ở khía cạnh kinh tế, chính quyền của ông Donald Trump đã chuyển từ thương mại đa phương sang song phương và khởi động xung đột thương mại.
Trong một cuộc trò chuyện với báo chí vào tháng 7/2018, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES), cho rằng, từ khi nhậm chức tới nay, Tổng thống Donald Trump đã bảo vệ rất tốt lợi ích của nước Mỹ. Và suy tính của ông Trump, cùng đội ngũ cố vấn trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mang tính chiến lược nhiều hơn phản ứng mang tính dân túy.
TS. Phạm Sỹ Thành cho hay: “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi bằng việc mua hoặc chiếm đoạt công nghệ, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ”.
Gần đây, TS. Phạm Sỹ Thành và TS. Trần Toàn Thắng tiếp tục mang tới cho độc giả một góc nhìn mới về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thông qua những nhân vật phía sau, có tác động tới quyết định phát động chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Một trong số các nhân vật được nhắc tới là Giáo sư Peter Navarro, tác giả cuốn sách Death by China. Theo đó, Peter Navarro từng thể hiện quan điểm, thay vì ủng hộ toàn cầu hoá, cần ủng hộ thương mại song phương.
Theo quan điểm của Peter Navarro, người giữ vị trí tư vấn cho Tổng thống Donald Trump và chịu trách nhiệm về chính sách thương mại và sản xuất, Trung Quốc ảnh hưởng đến Mỹ được tóm gọn trong 6 điểm bao gồm: Trung Quốc ảnh hưởng đến Mỹ trên mọi mặt trận; người Mỹ bị đầu độc bởi hàng Trung Quốc; bảo hộ mậu dịch lấy mất việc làm của người Mỹ; công ty Mỹ bắt tay Trung Quốc phá hoại sản xuất Mỹ; Trung Quốc tấn công tin tặc vào quốc phòng Mỹ và đồng nhân dân tệ làm hại cho Hoa Kỳ.
Dựa trên phân tích trên, Peter Navarro đã đưa ra một số đề xuất với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Đầu tiên, tránh bị giết bởi hàng giá rẻ Trung Quốc. Trong đó, thay đổi thái độ với hàng Trung Quốc, thắt chặt lỗ hổng trên mạng về xuất sứ hàng hoá, cải cách luật bồi thường để nhà nhập khẩu trung gian cũng phải chịu trách nhiệm.
Thứ hai, tước bỏ vũ khí “hủy diệt việc làm” của Trung Quốc. Phía Mỹ cần có đạo luật thương mại công bằng với Trung Quốc, hợp tác và điều phối toàn cầu (huy động sức mạnh tổng hợp từ EU, WTO), khởi xướng chiến tranh thương mại nếu cần.
Thứ ba, giải quyết thao túng tiền tệ. Theo đó, thực hiện cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, chặn đứng việc bắt buộc chuyển giao công nghệ.
Thứ tư, chặn Trung Quốc lạm dụng quyền phủ quyết tại Liên hợp quốc, cải tổ phái đoàn ngoại giao với trọng tâm đối kháng Trung Quốc.
Thứ năm, dùng phân quyền làm yếu tố chính của chính sách đối ngoại Mỹ. Phân tán đầu tư không tập trung, hạn chế xuất khẩu công cụ kiểm duyệt Internet.
Cuối cùng, không thể thắng Trung Quốc bằng số lượng và sức mạnh công nghiệp mà thắng bằng chất lượng Mỹ.
Nhân vật tiếp theo được tiết lộ là ông Steve Bannon, người từng gọi Huawei là một quả bom bẩn, người cho rằng nước Mỹ cần phải thức tỉnh với mối họa từ Trung Quốc. Nhân vật còn lại là đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người giữ vai trò thực thi các chính sách kiềm chế Trung Quốc bởi chính bản thân ông từng có nhiều năm đàm phán mệt mỏi với Trung Quốc nên ông hiểu Trung Quốc như “lòng bàn tay”.
Dân Việt