Đã đến lúc ‘Bộ Tứ’ hợp tác hải cảnh, đối phó với Trung Quốc?
Tại khu vực đã bị Trung Quốc làm cho bất ổn, các nước “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật, Ấn và Australia cần tăng cường phối hợp hoạt động của lực lượng hải cảnh để duy trì an ninh.
Một trong những cách hiệu quả nhất mà các nước thuộc nhóm “Bộ Tứ” Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể hợp tác với nhau để tăng cường an ninh hàng hải tại khu vực là thông qua việc phối hợp hoạt động của lực lượng hải cảnh, theo ý kiến của chuyên gia.
Vai trò ngày càng quan trọng của tàu “thân trắng”
“Bộ Tứ” (Quad) là khái niệm chỉ nhóm 4 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ, ra đời sau vụ sóng thần tàn phá châu Á năm 2004 với mục đích hợp tác cứu hộ cứu nạn. Qua thời gian, “Bộ Tứ” hiện tại được xem là một thế lực quan trọng trong việc kiềm chế Trung Quốc, duy trì trật tự, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực.
Trong bài viết trên The Interpreter – một website của Viện Lowy Australia chuyên xuất bản các phân tích chuyên sâu và bình luận của chuyên gia, tiến sĩ David Brewster cho rằng hợp tác hải quân đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định khu vực, nơi “đã bị một Trung Quốc đang trỗi dậy với những hành vi quyết liệt làm cho bất ổn”.
Tuy nhiên, theo ông, chính những con tàu “thân trắng” của lực lượng hải cảnh mới thường xuyên đứng nơi “đầu sóng ngọn gió” trong việc duy trì an ninh hàng hải, trực tiếp xử lý những vấn đề như cướp biển, đánh bắt trái phép, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, buôn người, buôn ma túy, vũ khí.
Tiến sĩ Brewster, làm việc Đại học Quốc gia Australia, chuyên về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương, viết rằng các tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông giờ đây thường xuyên có sự xuất hiện của các tàu hải cảnh từ Trung Quốc và các bên.
“Các tàu thân trắng đang ngày càng được sử dụng trong các vai trò vốn dành cho hải quân”, ông viết. “Xu hướng này sẽ chỉ có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai, khi các tàu thân trắng đảm nhận trọng trách càng lớn hơn trước, thường đi kèm với sự hỗ trợ của hải quân truyền thống”.
Lý giải về xu hướng này, vị chuyên gia cho rằng hợp tác hải quân đôi khi có những “hạn chế nghiêm trọng”, nảy sinh từ vấn đề chi phí lẫn vấn đề chính trị, vì mục đích chủ yếu của các tàu “thân xám” hải quân là tham gia chiến tranh, khiến một số nước tỏ ra thận trọng.
“Do đó, các tàu hải cảnh không chỉ có ích cho việc thực thi luật hàng hải mà còn có thể là công cụ thuận tiện cho hợp tác quốc tế”, ông Brewster lập luận trong bài viết có tựa đề Đã đến lúc thúc đẩy “Bộ Tứ” hải cảnh.
Cũng theo bài viết, lực lượng hải cảnh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang tăng cường tìm ra các cách để hợp tác với nhau. Hội nghị Lãnh đạo Cơ quan Hải cảnh châu Á (HACGAM) là một cơ chế khu vực “mang đến những cơ hội kết nối và chia sẻ thông tin giữa lực lượng hải cảnh 22 nước thành viên”.
Hội nghị HACGAM thường niên lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại Australia vào năm 2020. Đây sẽ là “cơ hội quan trọng để Australia tăng cường liên kết hoạt động với hải cảnh các nước khác khắp châu Á”, tiến sĩ Brewster nói.
Khoảng trống trong hợp tác hải cảnh “Bộ Tứ”
Ở khía cạnh song phương, lực lượng hải cảnh các nước cũng đang tăng cường kết nối với nhau. Hải cảnh Ấn Độ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc diễn tập chung ngoài khơi Ấn Độ từ năm 2000, “minh chứng cho giá trị mà hai bên nhìn thấy ở hình thức hợp tác này”.
“Trên thực tế, Hải cảnh Nhật Bản thường đi đầu trong các nỗ lực của nước này nhằm xây dựng năng lực hàng hải tại khu vực, hợp tác với các nước Đông Nam Á và Ấn Độ Dương”, ông Brewster nói. Ông cho rằng hiến pháp hòa bình của Nhật – vốn không thừa nhận vai trò của quân đội – đã giúp lực lượng hải cảnh nước này được tự do hơn hải quân (tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ trên biển) trong việc triển khai đến các vùng biển xa và hợp tác với các nước khác.
Lực lượng Biên giới Australia cũng tích cực trong việc phát triển quan hệ tại khu vực trong những năm qua. Tuy nhiên, ông Brewster cho rằng vẫn còn có khoảng trống lớn trong việc phối hợp các hoạt động xây dựng năng lực tại khu vực mà Australia, Nhật, Ấn và Mỹ đang thực hiện.
“Đây là nơi mà nhóm Bộ Tứ sẽ bước vào”, ông nói. “Nó sẽ tạo ra diễn đàn quý giá để chia sẻ quan điểm giữa quan chức cấp cao bốn nước”.
Chuyên gia Australia cũng lưu ý về sự thận trọng của một số nước đối với hoạt động của nhóm, đặc biệt là muốn tránh việc nhóm bị coi là một liên minh quân sự. Đó là lý do mà Ấn Độ do dự về việc tham gia cùng Hải quân Hoàng gia Australia trong cuộc tập trận thường niên Malabar.
“Hợp tác Bộ Tứ thông qua lực lượng hải cảnh có thể là câu trả lời cho vấn đề chính trị này”, ông Brewster nói. “Là các cơ quan thực thi pháp luật về mặt nguyên tắc, lực lượng hải cảnh có thể mang đến những lợi ích thực tế trong việc xây dựng môi trường hàng hải ổn định và an toàn, mà không hàm nghĩa liên minh quân sự”.
Ông nói hải cảnh các nước Bộ Tứ có thể tập trung vào vấn đề đánh bắt, buôn lậu và các hoạt động chấp pháp khác không mang ý nghĩa chính trị vốn thường gắn liền với các hoạt động hợp tác hải quân.
“Điều này có thể tăng cường sự phối hợp giữa họ và có thể tạo ra một nhóm nòng cốt cho sự hợp tác với các lực lượng hải cảnh khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm ở Biển Đông, Thái Bình Dương và phía tây Ấn Độ Dương”, tiến sĩ Brewster nói.
(Nguồn: Zing)