Bị dịch càn quét, cùng với chiến tranh thương mại với Mỹ, tác động kép sẽ kéo lùi TQ nhiều thập kỷ
Số liệu công bố mới nhất vào hôm qua là trên 28 ngàn ca nhiễm ở Trung quốc, tập trung khoảng hơn một nửa ở Vũ Hán, phần còn lại trải ra trên các vùng khác, toàn bộ đất nước Trung quốc rơi vào một tình trạng gần như là bấm nút tạm dừng. Không chỉ Vũ Hán mà ngay ở Bắc Kinh, đường phố vắng hoe không một bóng người.
Nhưng đây là chưa đến điểm cao trào dịch. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khi đến cao trào, Trung quốc có thể sẽ có đến hàng trăm ngàn ca nhiễm. Và sau khi đạt cao trào, thì dịch mặc dầu giảm dần nhưng sẽ kéo dài có khi đến cuối năm 2020 mới hết dịch hoàn toàn.
Như vậy chỉ tính riêng chi phí chăm sóc y tế và trang thiết bị, Trung quốc có thể mất hàng trăm tỷ USD. Các số liệu cho biết hiện nay Trung quốc đã chi khoảng 13 tỷ USD cho công việc này.
Nhưng điều mà chính phủ Trung quốc lo sợ nhất chính là thiệt hại vì đình đốn sản xuất.
Tỉnh Giang Tô nói chung và thành phố Vũ Hán nói riêng được xem là một thủ phủ công nghiệp của Trung quốc với một số ngành mũi nhọn như thép, ô tô hay là trí tuệ nhân tạo, được nhận định sẽ là linh hồn của kế hoạch “Made in China 2025”, giờ đây hoàn toàn tê liệt. Chiến tranh thương mại làm Trung quốc lao đao với kế hoạch “Made in China 2025” một phần, thì nay dịch bệnh có thể làm phá sản hẳn kế hoạch này. Việc ngừng các nhà máy nhiều tháng trời sẽ làm cho khách hàng tìm nơi thay thế chứ không thể chờ đợi sự phục hồi.
Nhưng không chỉ là Vũ Hán hay Giang Tô, trận dịch bao phủ đến 31/31 tỉnh thành kể cả Bắc Kinh này còn làm đình đốn nhiều ngành sản xuất khác trên phạm vi cả nước.
Trong tháng 1 vừa qua, Trung quốc đã giảm sản lượng nhập dầu thô mỗi ngày đến 3 triệu thùng, tức là 20% lượng dầu thô nhập vào. Đó là do các phương tiện vận tải của Trung quốc đã đình chỉ. Có thể trong tháng 2 này tình trạng sẽ nặng nề hơn.
Chúng ta cần nhớ rằng suốt thời gian chiến tranh thương mại diễn ra, Trung quốc chưa bao giờ phải cắt giảm một chuyến bay hay một chuyến tàu hỏa vận chuyển nào thì nay tất cả đều phải dừng lại. Nếu như chiến tranh thương mại chỉ làm cho một số nhà sản xuất Trung quốc tăng giá thành do phải gánh thêm thuế nhưng họ vẫn cố gắng sản xuất thì dịch bệnh làm cho nhiều nhà sản xuất phải ngừng sản xuất.
South China Morning Post dẫn lời ông Liu Kaiming, Chủ tịch Viện Contemporary Observation nói: “Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 2, tác động đến ngành sản xuất có thể được kiểm soát. Nhưng nếu đến tháng 3, virus vẫn chưa được kiềm chế, khách hàng có khả năng chuyển sang đặt hàng tại các nước khác”.
Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Trả lời CNBC, ông Navarro – cố vấn thân cận của ông Trump – cho biết sẽ không có chuyện Washington xóa bỏ thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc kể cả khi dịch virus corona đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế Trung quốc.
Nhiều chuyên gia chung nhận định là dịch Corona gây thiệt hại gấp 10 lần dịch SARS, nhưng đó là họ chưa tính đến tác động kép với chiến tranh thương mại.
Trung quốc sau dịch sẽ là một đất nước tan hoang với nền kinh tế bị kéo lùi nhiều thập kỷ.
(Nguồn: FB Trần Đình Thu)