Bê bối vắc-xin giả chấn động ở Trung Quốc
Vụ bê bối vắc-xin giả của Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh (Changsheng Bio-Technology, Trung Quốc) mới đây đã khiến dư luận cũng như người dân Trung Quốc vô cùng bàng hoàng. Tuy nhiên, dư luận phát hiện, từ năm ngoái cơ quan chức năng đã biết vắc-xin DPT của Công ty Trường Sinh không đủ tiêu chuẩn, vậy mà sau gần 9 tháng mới công bố sự việc.
Theo trang Chính phủ Trung Quốc, ngày 22/7, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ thị “sự kiện vắc-xin lần này đã phá vỡ ranh giới đạo đức con người, cần phải nói rõ, nói hết với nhân dân cả nước”.
Ông yêu cầu Quốc Vụ Viện Trung Quốc phải lập tức cử tổ điều tra tiến hành kiểm tra toàn bộ chu trình từ sản xuất đến tiêu thụ, nhanh chóng làm rõ sự thật, dù liên quan đến những ai, công ty nào cũng phải nghiêm trị, quyết không nương nhẹ…. Đây là lần thứ 2, ông Lý Khắc Cường có ý kiến chỉ đạo về “sự kiện vắc-xin”, lần trước là vào hôm 16/7.
Tháng 10/2017, tỉnh Sơn Đông đã có công văn nội bộ thu hồi những ống vắc-xin ‘3 trong 1’ có vấn đề nhưng giấu nhẹm vụ việc.Theo báo chí Trung Quốc, vụ việc bùng phát từ hôm 15/7. Cục Giám sát Dược phẩm Trung Quốc phát hiện Công ty Khoa học kỹ thuật sinh học Trường Sinh, tỉnh Cát Lâm đã làm giả các số liệu về vắc-xin phòng dại và buộc công ty phải đình chỉ việc sản xuất, tiêu thụ. Nếu tiêm loại thuốc này thì 100% người bệnh sẽ chết vì không hề có kháng thể. Mỗi năm Trường Sinh sản xuất và tiêu thụ 3,5 triệu liều vắc-xin phòng dại.
Ngày 20/7 Cục Giám sát Dược Cát Lâm lại tiết lộ một vụ bê bối mới cũng liên quan đến Công ty Trường Sinh. Qua điều tra đã phát hiện công ty này năm 2017 đã bán 252.600 ống vắc-xin “3 trong 1” (phòng các bệnh ho gà, bạch hầu và thương hàn) cho tỉnh Sơn Đông. Số vắc-xin này đã được sử dụng tiêm cho 215.184 trẻ em từ 6 tuần đến 3 tháng tuổi ở 8 huyện, thị trong tỉnh, chỉ còn 5.241 ống do hao hụt và còn lại trong kho.
Tuy nhiên, điều gây nên phẫn nộ là Trường Sinh chỉ bị tịch thu 186 ống vắc-xin không đạt chuẩn còn tồn kho và phạt hơn 3,4 triệu NDT. Mức phạt này không thấm gì so với lãi ròng 566 triệu NDT/năm của Trường Sinh. Chưa hết, năm 2017, Công ty Trường Sinh còn được chính phủ hỗ trợ tới 48,3 triệu NDT. Cơ quan giám sát dược đã tiến hành điều tra Trường Sinh từ tháng 11/2017, nhưng đến nay mới công bố kết quả.
Trụ sở công ty Trường Sinh.Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn nữa là năm 2017, Cục Quản lý Dược Sơn Đông đã biết lô vắc-xin họ mua của Trường Sinh này có vấn đề, đã có công văn nội bộ yêu cầu thu hồi, nhưng giấu biệt mọi chuyện. Thông tin này chỉ được biết đến khi luật sư Vương Bằng tung công văn nội bộ này lên mạng.
Đi sâu tìm hiểu, báo chí còn phát hiện ra một vụ nghiêm trọng khác: Hồi tháng 11/2017, Cục Giám sát Dược phẩm quốc gia đã phát hiện Sở Nghiên cứu chế phẩm sinh học Vũ Hán bán ra 400.520 ống vắc-xin “3 trong 1” kém phẩm chất cho Trùng Khánh và Hà Bắc. Dù chưa rõ đã có bao nhiêu trẻ em bị tiêm những ống vắc-xin chất lượng kém này, nhưng đến nay nơi sản xuất, tiêu thụ chúng vẫn chưa bị trừng phạt.
Hàng loạt nghi vấn được dư luận đặt ra: Các vắc-xin chất lượng kém này làm thế nào qua mặt được hệ thống giám sát kiểm định? Tại sao đến nay Ủy ban Y tế quốc gia (Bộ Y tế) vẫn không có ý kiến thông báo về ảnh hưởng của những vắc-xin chất lượng kém đối với trẻ em ra sao?
Mấy năm gần đây, ở Trung Quốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ bê bối về vắc-xin. Năm 2016, một vụ tiêu thụ vắc-xin quá hạn sử dụng đã dẫn đến việc 200 người bị bắt, một số lượng vắc-xin bảo quản không đúng quy định hoặc quá hạn sử dụng trị giá 570 triệu NDT đã được tiêu thụ phi pháp khắp Trung Quốc.
Năm 2010, tờ “Thời báo Kinh tế Trung Quốc” đã đưa tin, trong 3 năm qua, hàng trăm trẻ em ở tỉnh Sơn Tây đã bị chết hoặc mang bệnh vì tác dụng phụ của vắc-xin kém chất lượng. Các quan chức tỉnh này đã phủ nhận, còn biên tập viên tờ báo thì bị cách chức do đăng tin này.
Hàng trăm ngàn trẻ em đã bị tiêm vắc-xin chất lượng kém “Sự kiện vắc-xin” ngày càng nóng lên khi báo chí đi sâu điều tra về tài sản, cuộc sống xa hoa của Cao Tuấn Phương – bà chủ Công ty Trường Sinh và mức lãi suất “khủng” của Trường Sinh kiếm được nhờ vắc-xin chất lượng kém. Theo tờ “Tân Kinh báo”, lợi nhuận của vắc-xin mà công ty này thu được còn cao hơn cả Công ty rượu Mao Đài, cứ 100 NDT sản phẩm bán ra, Trường Sinh lãi 91,59 NDT, còn Mao Đài kiếm được 91,31 NDT.
Vụ việc hiện khiến dân chúng mất lòng tin vào vắc-xin trong nước. Nhiều phụ huynh đã đưa con xuống phía Nam, sang Hong Kong để tiêm loại vắc-xin “5 trong 1” trong đó bao gồm tác dụng phòng ngừa 3 loại bệnh của vắc-xin “3 trong 1” do Trường Sinh sản xuất.
Thế lực đứng sau Công ty Trường Sinh
Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông Hồng Kông và Đài Loan đã tiết lộ rằng Công ty Công nghệ sinh học Trường Sinh, nơi bùng nổ vụ bê bối vắc-xin, có thế lực đứng sau không đơn giản.
Trang Duowei News tại nước ngoài chỉ ra, sau khi phanh phui vấn đề sản xuất vắc-xin bẩn của Công ty Trường Sinh, nhiều người dùng mạng internet đã liên tục chia sẻ thông tin rằng họ phát hiện những thông tin và hình ảnh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và cựu Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang đã đến thăm công ty này đã bị xỏa bỏ sau vụ bê bối vắc-xin của công ty.
Trong đó, thời điểm năm 1995 ông Giang Trạch Dân đến thăm kiểm tra đã viết tặng dòng chữ lưu niệm “Phát triển công nghệ cao để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia”, và chụp ảnh chung với sự lãnh đạo của công ty này.
Còn năm 1998, lúc đó ông Trương Đức Giang là Bí thư tỉnh Cát Lâm cũng đã đến thăm công ty Changsheng, trong chuyến thăm này ông Trương Đức Giang đã đặc biệt mặc vào bộ quần áo bảo hộ và ghé thăm dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, trong trang web chính thức của công ty này vẫn còn giữ lại hình ảnh viếng thăm của nhiều quan chức khác với những cấp bậc khác nhau.
Đài RFI của Pháp đã chỉ ra, sở dĩ vụ bê bối vắc-xin giả này bị làm ầm lên là vì có nhân viên cũ tức giận “vì bị điều chỉnh vị trí”, đã cố gắng đưa sự việc ra ánh sáng.
(Theo But Danh)