Tham vọng lớn, nhưng với cách hành xử tráo trở, không trong sạch của mình, Trung Quốc sẽ không bao giờ có được sự ủng hộ của thế giới.
Nhà cầm quyền Trung Quốc từ xưa đến nay là “bậc thầy” về lợi dụng thời thế. Năm 1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa bị Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam dồn vào chân tường, ở thế ngàn cân treo sợi tóc, Mỹ muốn buông. Lợi dụng tình thế đó, ngày 19/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.
Năm 1988, ta ở đáy của khủng hoảng kinh tế. Giữa lúc đó, Trung Quốc bắt tay với Mỹ đánh Liên Xô và đánh chiếm bảy đảo đá của Việt Nam ở Trường Sa (sự kiện Gạc Ma). Từ ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Bấy giờ, cả châu Âu và Mỹ đang tập trung vào Nga và Ukraina thì Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào Biển Đông (từ ngày 1/5-15/7/2014). Tháng 7-9/2019, lợi dụng lúc Tổng thống Mỹ đang vật lộn với cuộc chiến pháp lý mà Đảng Dân chủ luận tội (cùng việc chuẩn bị bầu cử và một loạt vấn đề với các nước châu Âu), Trung Quốc lại đưa tàu Hải Dương địa chất 8 vào khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của ta.
Năm nay, chỉ trong bốn tháng đầu năm, tần số hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông đã lớn nhất từ trước tới nay. Không chỉ ở Biển Đông, trên biển Hoa Đông, số tàu Trung Quốc đưa đến quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý nhiều gấp 60 lần. Trung Quốc còn kéo cả tàu sân bay cùng một đội tàu khủng khiếp đến đảo Đài Loan, đưa tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngày 2/4 vừa rồi, lợi dụng lúc cả thế giới đang lo phòng, chống dịch COVID-19, tàu Trung Quốc lại đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, bắt tám ngư dân.
Khi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, trong khi Việt Nam cực lực phản đối, thế giới lên án thì hệ thống truyền thông của Trung Quốc lại có hàng trăm bài báo nói với 1,4 tỷ người dân Trung Quốc rằng có 600 tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (?). Quả là một sự lừa dối trắng trợn. Kênh thực địa thì đâm tàu cá của ta, kênh truyền thông thì biến đen thành trắng, kênh pháp lý thì biến mọi thứ thành sự đã rồi (đưa Hoàng Sa và Trường Sa của ta thành đơn vị hành chính “quận đảo Tây Sa”, “quận đảo Nam Sa”). Trung Quốc luôn tiến hành đồng thời ba kênh này để phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Hiện nay, trên thế giới, có 40-50 điểm tranh chấp. Việc xử lý tranh chấp thường theo ba giai đoạn: 1 – trao đổi song phương, đàm phán. Ở giai đoạn này, ta đã họp, đã đàm phán rất nhiều lần, dựa trên luật pháp quốc tế. Khi đàm phán mãi mà không giải quyết được thì chuyển sang giai đoạn 2 – khởi kiện, như Philippines kiện Trung Quốc dưới thời tổng thống Benigno Aquino III. Khi kiện vẫn không được, sẽ dẫn đến giai đoạn 3 – giải quyết bằng vũ trang.
Ta cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn 2, chuẩn bị khởi kiện. Cần nhớ, việc chuẩn bị hồ sơ để kiện không đơn giản. Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) giải quyết chủ quyền. Vấn đề chủ quyền phải qua Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, mà Trung Quốc lại là ủy viên thường trực, nên họ phản đối là hỏng. Khi khởi kiện Trung Quốc, Philippines đã chọn Tòa Luật Biển quốc tế (ITLOS) nên phải lựa, trong hồ sơ hơn 4.000 trang của Philippines gửi đi, không có chữ nào là chủ quyền, vì nếu nhắc đến chủ quyền là phải do Tòa án Hình sự quốc tế, Tòa án Công lý quốc tế thụ lý. Đội ngũ luật sư xuất sắc của Philippines đã kiện những hành vi vi phạm Công ước Liên hiệp quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) 1982 của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc muốn leo lên làm bá chủ thế giới, nhưng với cách hành xử của họ – qua hàng trăm sự kiện đã diễn ra, cùng sự không minh bạch trong đại dịch COVID-19 – thì không ai tin họ cả. Tham vọng lớn, nhưng với cách hành xử tráo trở, không trong sạch của mình, Trung Quốc sẽ không bao giờ có được sự ủng hộ của thế giới.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an