Cảnh giác: Trung Quốc ồ ạt chi tiền mua gạo Việt, VN thiếu nguồn dự trữ trong khi thế giới đẩy mạnh tích trữ gạo

Báo Dân trí ngày 20 tháng 4 năm 2020 loan tin, thời gian vừa qua, Trung Cộng đã tăng cường mua gạo Việt Nam với số lượng gấp 4 lần, và chủ động tăng giá thu mua nhiều hơn so với các nước.

Theo dữ liệu của cơ quan Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, Trung Cộng đã mua 162,000 tấn gạo, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, giá gạo mà Trung Cộng mua của Việt Nam đạt 12.7 triệu đồng một tấn, trong khi đó, giá gạo bình quân mà Việt Nam xuất cảng bán cho các các nước khác chỉ có 10.7 triệu đồng một tấn, và bán cho Philippines là 9.9 triệu đồng một tấn. Với giá này, Trung Cộng đã bỏ tiền ra mua gạo Việt Nam cao hơn so với Phillippines là 2.8 triệu đồng một tấn.

Không chỉ có gạo, mà 3 tháng qua Trung Cộng cũng đã có hành động khá lạ đó là tăng nhập cảng các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại từ Việt Nam. Trong khi trước đây, Việt Nam mới là nước nhập cảng nhiều các sản phẩm này từ Trung Cộng. Ngược lại với các mặt hàng trên, các mặt hàng khác của Việt Nam như: thuỷ sản, dầu thô, quặng và khoáng sản xuất cảng sang Trung Cộng giảm mạnh về số lượng.

Việt Nam là quốc gia xuất cảng gạo hàng đầu thế giới, đang nỗ lực bổ sung nguồn dự trữ, sau khi người tiêu dùng trên toàn thế giới cùng lúc tích trữ để bảo đảm nguồn cung cấp lương thực chính, trong bối cảnh đại dịch coronavirus ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Theo tờ Bloomberg đưa tin, vào tháng 3/2020, Việt Nam yêu cầu các thương nhân địa phương cung cấp gạo cho các kho dự trữ nhà nước, một số nhà cung cấp đưa ra giá thấp nhất để có được hợp đồng với chính phủ. Thông thường, thương nhân sẽ có khoảng 3 tháng để mua gạo từ nông dân và giao cho bộ phận dự trữ. Tuy nhiên, trong năm 2020 này, đại dịch coronavirus khiến các kế hoạch trên được đẩy nhanh, và có thể thúc đẩy Việt Nam thắt chặt hơn nữa các hạn chế xuất cảng gạo.

Giá gạo ở Việt Nam và các nước khác đã tăng mạnh kể từ khi chính phủ đấu thầu chọn nguồn cung cấp, và thương nhân cung cấp gạo có nguy cơ cao sẽ bị lỗ. Do vậy, trong số 28 thương nhân giành được hợp đồng, 24 đơn vị đã hủy hoặc từ chối ký hợp đồng.

Hôm thứ ba (14/4), Cơ Quan dự trữ quốc gia cho biết, hiện chỉ có 7,700 tấn gạo được thêm vào kho dự trữ nhà nước, chiếm chỉ 4% trong kế hoạch 190,000 tấn được đưa ra cho năm 2020. Cơ Quan dự trữ sẽ tổ chức đấu thầu một loại gạo khác trong thời gian tới. Bộ tài chính đã đề nghị đình chỉ xuất cảng gạo chất lượng thấp cho đến giữa tháng 6/2020, để bảo đảm các mục tiêu dự trữ có thể được đáp ứng.

Theo CNBC, giá gạo đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 7 năm qua do các nhà nhập khẩu các nước đẩy mạnh tích trữ trong khi các nước xuất khẩu hạn chế bán hàng khi dịch Covid-19 bùng nổ.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo trắng 5% tấm đã tăng 12% trong một khoảng thời gian ngắn từ 25/3 tới 1/4. Và theo số liệu của Reuters, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Giá gạo Thái tăng mạnh sau khi các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu trong khu vực như Ấn Độ và Việt Nam hạn chế xuất khẩu. Hiện châu Á sản xuất 90% lượng gạo của thế giới và cũng tiêu thụ một lượng tương tự.

Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp đã ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới do thiếu hụt nguồn lao động và hệ thống logistic bị gián đoạn. Và theo Reuters, việc thực hiện các hợp đồng đã ký cũng gặp khó khăn. Trên thực tế, giá gạo đã tăng từ trước đó, từ cuối 2019 và tăng vọt lần đầu tiên trong tháng 3 trước đợt tăng lần này, do hạn hán nghiêm trọng ở Thái và nhu cầu lớn từ các nhà nhập khẩu châu Á cũng như châu Phi.

Tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực… Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

T.H